Chả lụa là món ngon phổ biến trong ngày Tết, không những thế, món ăn này còn xuất hiện nhiều trong các dịp lễ, hỏi, cưới xin,… Với hiện trạng pha tạp chất như hiện nay, nhiều người đã tìm cách làm chả lụa tại nhà để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy hãy cùng xem cách làm chả lụa ngon sau đây nhé!
Chả lụa hay giò chả, giò lụa là tên gọi của món ăn được làm từ hai nguyên liệu cơ bản gồm thịt nạc heo kết hợp với nước mắm ngon đem đi giã nhuyễn để tạo thành hỗn hợp thịt vừa dai vừa quết chặt. Sau đó thịt sẽ được gói trong lá chuối đem đi hấp chín. Đây là món ăn rất thịnh hành tại mọi miền đất nước Việt Nam và thường xuất hiện trên mâm cỗ ngày Tết hay các dịp mừng lễ, cưới hỏi,…
Cách làm chả lụa đơn giản tại nhà
1. Nguyên liệu
- 800g thịt heo
- Lá chuối
- Gia vị: Bột nêm gà, nước mắm, tiêu trắng, nước mắm, dầu ăn, tinh bột khoai tây, bột nổi,…
2. Hướng dẫn thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Thịt heo bạn nên mua loại có thêm ít mỡ để chả lụa có vị béo ngon hấp dẫn hơn. Thịt đem về chà xát với muối cho bớt hôi tanh rồi rửa sạch. Sau đó cho thịt vào cối xay, xay nhuyễn.
Lá chuối rửa sạch, lau khô.
Bước 2: Pha chế gia vị nêm thịt
Cho vào chén lần lượt các gia vị gồm: 4 muỗng cà phê đường, 2 muỗng cà phê bột nêm gà, ½ muỗng cà phê bột nổi, 2,5 muỗng canh tinh bột khoai tây, 5 muỗng canh nước lạnh, 2 muỗng canh nước mắm, 4 muỗng canh dầu ăn, khuấy đều để hỗn hợp đồng nhất.
Pha chế gia vị
Bước 3: Ướp thịt
Thịt sau khi xay nhuyễn bạn cho vào 1 cái túi rồi đổ hỗn hợp nước gia vị ở bước 2 vào và bóp đều tay, cách làm này sẽ giúp thịt được hài hòa gia vị hơn. Sau đó, bạn dàn thịt ra cho mỏng trong túi nilon rồi cất vào tủ đá 4 tiếng.
Bước 4: Quết thịt
Thịt sau khi làm đông, bạn lấy ra, bẻ thành từng miếng nhỏ cho vào máy quết. 2 phút đầu quết với tốc độ thấp, 5 phút sau quết với tốc độ trung bình và thêm 5 phút quết với tốc độ cao. Sau đó bạn cho vào 1 muỗng cà phê bột hành cùng ¼ muỗng cà phê tiêu trắng, tiếp tục quết thịt với tốc độ cao thêm 1 phút.
Thịt đã được quết
Bước 5: Gói thịt và đem hấp
Thịt sau khi quết xong bạn xúc ra màng bọc thực phẩm để định hình, sau đó đặt vào lá chuối và quấn chặt 1 – 2 lớp. Tiếp tục quấn thêm một lớp giấy bạc bên ngoài rồi bạn cho vào nồi hấp chín khoảng 40 phút.
Gói chả lụa rồi tiến hành đem hấp
Bước 6: Trình bày và thưởng thức
Giò lụa sau khi hấp xong bạn có thể sử dụng ngay hoặc bảo quản để dùng dần.
Giờ thì cùng thưởng thức món chả lụa dai ngon nào!
Cách làm chả lụa chay
1. Nguyên liệu
- 300g tàu hũ ky khô
- 1 gốc hành boa rô
- Lá chuối
- Gia vị: Hạt nêm chay, muối, tiêu xay,…
2. Hướng dẫn cách làm
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Tàu hũ ky cắt thành từng miếng nhỏ, đem ngâm với nước khoảng 30 phút cho mềm. Sau đó đem rửa sạch, để ráo nước rồi trụng với nước sôi pha muối. Bạn tiếp tục rửa tàu hũ ky lại một lần nữa rồi cho vào túi vải lọc, vắt thật ráo và khô.
Gốc hành boa rô làm sạch, băm nhỏ và đem phi thơm vàng.
Lá chuối rửa sơ, trụng với nước sôi cho sạch, mềm, dai, dễ gói chả. Sau đó bạn lau lại lá chuối cho ráo nước, cắt bỏ phần cuốn cứng và lá già.
Bước 2: Ướp tàu hủ ky
Tàu hũ ky sau khi vắt khô cho vào âu ướp với 1 muỗng canh hạt nêm chay, 1 muỗng cà phê tiêu và hành boa rô phi thơm, trộn đều. Chia tàu hũ ky vừa ướp thành 2 phần bằng nhau, cho vào túi nilon, cuộn chặt và định hình. Sau đó đặt vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 45 phút.
Bước 3: Gói chả
Sau 45 phút, bạn lấy tàu hũ ky ra ngoài và gói lại tương tự như cách làm chả lụa đã hướng dẫn ở trên.
Gói chả lụa chay
Bước 4: Hấp chả
Chả sau khi gói xong, bạn cho vào xửng hấp 30 phút là được.
Bước 5: Trình bày và thưởng thức
Món ăn phù hợp cho những người ăn chay lại còn rất ngon
Một số lưu ý khi thực hiện
Cách làm chả lụa khi không có máy quết
- Việc sử dụng máy quết sẽ giúp bạn đỡ tốn thời gian và công sức hơn. Tuy nhiên, nếu không có máy quết, bạn có thể sử dụng phương pháp thủ công bằng cách: Thịt sau khi làm đông, bạn lấy ra cho vào cối giã nhuyễn. Nguyên tắc khi làm là bạn phải giữ thịt luôn lạnh để đảm bảo độ dai ngon. Do đó, trong quá trình giã, bạn nên xem nhiệt độ thịt như thế nào để cho lại vào tủ lạnh. Sau đó, tiếp tục đem ra giã đến khi thịt dẻo, dai vừa ý.
Cách bảo quản chả lụa
- Sau khi hấp chín, bạn nên để chả nguội rồi cho vào ngăn mát của tủ lạnh. Với cách này, bạn có thể bảo quản chả từ 5 – 7 ngày.
- Khi cắt chả, bạn nên sử dụng dao khô vì nước sẽ làm chả nhanh hư.
- Chả cắt ra rồi bạn nên sử dụng liền hoặc bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và dùng trong vòng 8 tiếng.
Cách phân biệt giò, chả lụa có chứa hàn the khi mua ngoài chợ
- Hàn the là loại chất thường được cho vào giò, chả để tạo độ dai chắc đồng thời có thể kéo dài thời gian bảo quản mà thực phẩm vẫn trông đẹp mắt. Tuy nhiên, hàn the nếu sử dụng từ 5g trở lên có thể gây ngộ độc cấp tính và dẫn đến tử vong. Còn với liều lượng thấp vẫn gây ngộ độc mãn tính, khiến gan, thận suy chức năng, làm cơ thể bị mệt mỏi và nhiều tác hại nguy hiểm khác.
- Giò, chả lụa làm từ thịt nguyên chất sau khi hấp hoặc luộc xong sẽ có những lỗ nhỏ bên trong. Còn nếu cắt ra thấy bên trong mịn đẹp thì giò chả này có thể đã bị tẩm hàn the hoặc pha bột để giảm lượng thịt thực tế.
- Giò chả không chứa hàn the khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt thơm nhẹ pha chút vị béo, sờ vào thấy ươn ướt không bị khô cong.
Chúc các bạn thành công nhé!
Có thể bạn quan tâm
Cá lóc kho nghệ
Nấu món súp gà
Cách làm chả bò
làm phở xào bò
Cách kho cá biển ngon
Gỏi dưa leo khô sặc
Canh ghẹ rau muống