Biết nâng niu, trân trọng, rượu và đàn bà đều là ngọc quý đối với đàn ông. Ngược lại thì cũng giống như ngồi vỉa hè uống bia hơi với cái ly nhựa…
Câu nói: “Lấy vàng thử đàn bà, lấy đàn bà thử đàn ông…” e rằng chỉ đúng trong một số trường hợp. Bỏ qua vế đầu không đụng chạm đến, ta thử lôi vế sau ra xem để thấy rằng, với đàn ông số đông, nhiều khi rượu mới là thứ nên lôi ra để thử…
Khác hẳn bia là một thức uống để giải khát, rượu là một chất lỏng có mãnh lực vô song đối với đàn ông. Nó chứng tỏ người sử dụng chất lỏng đó phải là một nam tử hán, một anh chàng đã qua thời kỳ vỡ giọng, một người đàn ông đúng nghĩa đàn ông (!) Người xưa từng khẳng định “Nam vô tửu như kỳ vô phong” chắc cũng vì lý do này.
Với đàn ông, mọi sự luôn khởi đầu bằng “chén rượu”. Ngay cả trong tình yêu, rượu cũng là chất xúc tác dẫn cho máu chảy nhanh hơn, tim đập mạnh hơn, các vấn đề chung quanh trở nên… thơ mộng hơn. “Khi chén rượu, khi cuộc cờ. Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”. Ái tình mà không có rượu ắt hẳn nhạt nhẽo và vô vị lắm. Tất tần tật nam nhân trong Truyện Kiều đều kè kè chén rượu, từ anh chàng Kim Trọng thư sinh, đến Từ Hải vai hùm hàm én, Hồ Tôn Hiến oai phong lẫm liệt… khi ở bên cạnh Thúy Kiều đều phải có “bầu tiên chuốc rượu” mới nên thân anh hào. Rượu, nói tóm lại, như một thứ máu khác, có thể hân hoan chảy trong huyết quản của đàn ông, từ xưa đã xác định thế rồi.
Cũng từ xưa, rượu không thể đánh đồng một loại. Giữa “chén rượu nhạt” dành cho kẻ thường dân đến “quý tửu” dành cho các quý ông là một khoảng cách rất xa, rất nhiều tầng lớp, mỗi tầng là mỗi công thức nấu, bí quyết pha chế, ướp tẩm… công phu. Nhờ thế mà “xã hội rượu” cũng muôn hình vạn trạng, từ thứ rẻ rề, rẻ thối cho đến loại rượu chỉ nghe tới giá tiền thôi, đàn bà đã xanh mặt ngất đi rồi (chẳng khác nào đàn ông khi nghe giá nhẫn kim cương)! Nhưng cho dù giá chai rượu có đắt tới đâu, nếu là một quý ông, ắt hẳn anh ấy sẽ cho phép mình được thử, còn chiếc nhẫn kim cương kia thì cứ từ từ, tùy vào tình cảm mà tính toán sao cho anh ả đều vui. Nói thế để khẳng định thêm, ở thời buổi này, đừng hòng đem đàn bà ra thử đàn ông, trừ khi chị ấy cũng là một tay biết thưởng thức rượu. Nếu chị ấy còn vượt lên trên cả sự thưởng thức, có nghĩa là tửu lượng cao siêu, lúc ấy “sự thử thách” càng vô vàn lý thú.
Tôi không phải là một phụ nữ mạnh rượu. Chuyện rượu của tôi như một bức tranh vẽ nhiều giai đoạn. Ly rượu đầu tiên trong đời tôi là uống với cha tôi, năm tôi mười bốn tuổi. Đó chỉ là rượu vang làm từ trái mận Trại Hầm, một loại đặc sản của Đà Lạt do chính tay mẹ tôi làm, vị chua chua chát chát ngòn ngọt ở cuống họng khi nuốt vào. Đương nhiên là tôi ngủ một giấc lăn quay sau đó, thế nhưng cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc cha tôi rót rượu vào chiếc ly chân cao trong vắt, ánh mắt ông nheo lại đầy kỳ bí khi bảo tôi cách cầm ly cho đúng, cách lắc nhẹ ly cho hơi rượu bay lên và cách uống một ngụm nhỏ để thử rượu. Nghi thức này vẫn tiếp tục sau đó khi cha tôi tập cho đứa con gái rượu làm quen và biết phân biệt thế nào là vang trắng, vang đỏ, champagnes, cognac, whiskey, vodka và cả rượu đế của Việt Nam. Từ đó, cha cũng dạy tôi cách nhìn và đoán chân tướng một người đàn ông khi uống rượu để tôi có cơ sở “tìm lành, lánh dữ” sau này. Nhờ thế mà tôi biết uống, biết thưởng thức, biết say, biết cả việc sa đà với rượu sẽ dẫn đàn ông (và cả đàn bà) đến tình trạng nào.
Bước chân vào thế giới của rượu rồi, mới hiểu nhiều đàn ông trên đời xem rượu như bạn quý. Mỗi một giọt rượu, với người ấy đều có một lịch sử chưng cất, một cách thưởng thức, những món ăn đi kèm… Và tất nhiên, thưởng thức rượu không thể phàm phu như lúc uống bia, không thể nốc ừng ực mà phải chậm rãi, thậm chí thành kính nếu như chai rượu ấy có tuổi đời rất nhiều năm hoặc rất hiếm hoi để được uống. (Đôi khi nó còn do ai tặng nữa)… Tôi từng được một người bạn xứ Gaul mời uống một ly – chỉ một ly thôi – rượu vang Cabernet mà anh ta bảo do công nương (bạc mệnh) Diana xứ Anh ban tặng. Tiếc rằng rượu đã lên men giấm, có lẽ do không khí tràn vào sau nhiều lần mở nút, nhưng sự trân trọng trong nghi thức rót và ngửi rượu của anh ta khiến tôi quên mất vị chua đang ẩn nấp trong đó và thấy mình được đãi ngộ quá đặc biệt. Đã mấy ai được uống rượu của công nương ban tặng chứ?
Ở nhiều trường hợp khác, rượu quả là phải nhấp rón rén từng ngụm nhỏ để nó tỏa hương trong vòm họng, nhất là với whiskey lâu năm. Bạn sẽ hết hồn với chai Macallan “M” (1940) có giá 631.850 USD (khoảng trên 14 tỷ đồng). Và nếu có ai đó mời bạn một ly thì sao? Bạn sẽ có cảm giác gì khi biết sau một ngụm rượu là có hàng trăm triệu tan trong vòm họng của mình?
Men rượu, tùy theo nồng độ, có thể gom tất tần tật adrenaline, hormone trong cơ thể người uống thành một chất kích thích dạng… bom không định giờ, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Người ta bảo: “Rượu vào, lời ra”. Trong nhiều trường hợp, câu này cực kỳ chính xác. Dường như muôn sự ức chế, bao nhiêu bí ẩn trong lòng chỉ chực chờ cơ hội này để chui ra. Phụ nữ luôn là kẻ “rơi đài” đầu tiên. Cười hoặc khóc là giai đoạn một, kế tiếp là kể lể. Đàn ông khôn khéo thường hay chuốc rượu đàn bà để xem cô ấy có bí mật gì đang che giấu không? Một vài mối tình có thể bắt đầu trong hoàn cảnh này. Bền hay không, hồi sau sẽ rõ. Giờ thì cứ an ủi, vỗ về nhau trước đã, bởi lúc ấy con tim thường muốn được vuốt ve… Tuy nhiên, hiện tượng trên chỉ có thể tìm thấy ở các bàn rượu gia đình hoặc bạn bè thân thuộc. Các bậc nữ lưu cho phép mình vượt khỏi “ngưỡng đề phòng” một chút vì tin cậy bạn bè, người thân. Ở các bàn rượu khác, nhất là khi ngồi với đối tác, các nàng lại trở thành nữ cường nhân, chỉ để đàn ông say chứ không để mình lộ hết bản năng.

Với đàn ông, cường độ nóng của bom có thể đo được khi đối tượng uống bắt đầu nói to và rất to. Có thể do không nghe được giọng nói của mình chăng? Các chủ đề nói thường rất lộn xộn, có thể về một ai đó không có mặt trong bàn rượu, một câu chuyện chính sự, văn hóa, lịch sử từ kim cổ Đông Tây…, đàn ông nói được tất. Và ông nào cũng cho mình đúng cả, cho nên ông nói ông nghe, tôi nói tôi nghe. Có ông ít nói thì hóa giải sự ồn ĩ ấy bằng cách mở nhạc trong điện thoại của mình thật to. Tình hình lúc ấy thật vui vẻ, nhộn nhạo chết đi được.
Các ông khi đi uống rượu với nhau, ít khi tính toán vấn đề tiền bạc, nhất là khi trong bàn có phụ nữ cùng ngồi. Vì thế, ở những quán không quen, bill tính tiền có thể bị gian lận vài con số và hôm sau khi tỉnh rượu, đấng nam nhi trả tiền khi xem lại hóa đơn cũng chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt. Coi như tiền tip cho các em vậy. Tuy nhiên, khi số tiền tip này khá nhiều thì men rượu hôm qua trở thành đắng ngắt, nhất là khi bà ấy ở nhà tình cờ hỏi tiền đâu đưa cho bà ấy một ít!
Rượu, hóa ra là điều gì đó rất khó hiểu, khó chiều – giống như đàn bà. Biết nâng niu, biết trân trọng thì rượu hay đàn bà đều là ngọc quý đối với đàn ông. Ngược lại thì cũng giống như ngồi ngoài vỉa hè uống bia hơi vậy. Nhìn trong tay nhiều khi chỉ còn cái ly nhựa mà thôi…